Khơi thông được con đường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa sẽ là “bài toán” để ngành chăn nuôi giải quyết được tình trạng rớt giá, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập và phát triển bền vững ngành hàng. Điều này giúp ngành hóa giải thách thức về sản xuất và thị trường khi dự báo khó khăn trong năm 2023 sẽ lớn hơn.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành chăn nuôi 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá tăng trưởng của ngành chăn nuôi là động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp. “Ngành chăn nuôi cần phải thấy rằng, thị trường nội địa phục vụ nhu cầu gần 100 triệu dân không phải là thị trường nhỏ, chưa kể một số sản phẩm chăn nuôi đã xuất khẩu như heo mảnh sang Hàn Quốc, heo sữa sang Hồng Kông hay tổ yến sang Trung Quốc… Rõ ràng tiềm năng là rất lớn”.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập trong việc kết nối giữa sản xuất và thị trường, hiện khâu trung gian có nhiều lợi nhuận nhất – đây là bất cập cần phải giải quyết.
![]() |
Đẩy mạnh chế biến sâu để đưa sản phẩm chăn nuôi đi xa. |
Nhìn nhận những thách thức trên, trong năm 2022, Cục Chăn nuôi đã tổ chức đẩy mạnh nhiều hoạt động khơi thông thị trường. Đối với chăn nuôi gia cầm, Cục phối hợp, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp rà soát, ổn định quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thị trường, giá sản phẩm gia cầm và thu nhập của người chăn nuôi.
Đồng thời, Cục Chăn nuôi cũng phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khơi thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến và các sản phẩm từ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa… sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc (Trung Quốc đã ký Nghị định thư với Việt Nam về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu của Việt Nam).
Tuy nhiên, ông Thắng đánh giá, dư địa phát triển thị trường của ngành chăn nuôi còn rất lớn. “Chúng ta có thị trường gần 100 triệu dân trong nước, cũng như gần với Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân và nhiều thị trường khác… rõ ràng rất tiềm năng”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi chỉ ra.
“Ngành chăn nuôi sẽ tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về phát triển các mô hình chăn nuôi của Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… xem từng mô hình đặt ra nhiệm vụ trong tâm phát triển, tìm kiếm mở rộng thị trường, sản phẩm chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.
Thực tế, những yêu cầu này đặt ra với ngành chăn nuôi rất cấp thiết. Nhận định về chăn nuôi năm 2023, Cục Chăn nuôi cũng đánh giá dự báo dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2023, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới (16 FTA đã được ký kết, Việt Nam đang đàm phán 4 FTA và 01 FTA đang được tham vấn tiến tới đàm phán là VN-UAE FTA) đem tới nhiều cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu xuất vào thị trường Việt Nam.
Tận dụng thời cơ xuất khẩu
Đáng lo ngại là những sản phẩm chăn nuôi dễ bị tác động mạnh nhất về giá là heo và gia cầm… Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, cho hay Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phía Nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất.
Trung bình 11 tháng qua, giá xuất chuồng của gà lông trắng 31.786 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 32.840 đồng/kg, như vậy mỗi 1 kg bán ra người nuôi lỗ 1.054 đồng. Tương tự, với gà lông màu ngắn ngày, mỗi một kg xuất chuồng lỗ 1.834 đồng. Đối với gà màu lai dài ngày, ông Phương cho biết từ tháng 1 cho tới đầu tháng 9 người nuôi có lãi, nhưng từ tháng 9 đến nay giá xuất chuồng thấp hơn giá thành nên cũng đang ôm lỗ.
Với ngành chăn nuôi heo, ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, cho hay giá heo hơi bình quân hiện nay chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, với mức giá này các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần thua lỗ.
Đáng nói, nhiều hộ chăn nuôi tái đàn heo từ tháng 6/2022 để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng thời điểm này đang trong tâm trạng thấp thỏm bởi nếu giá heo hơi không tăng trong những ngày tới thì một chu kỳ thua lỗ mới sẽ bắt đầu.
Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, giá heo hơi thường chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thời vụ trong quý IV và nhu cầu thường tăng trước kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu dường như không tăng lên. “Chúng tôi tin rằng điều này một phần là do niềm tin của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát”, nghiên cứu trên chỉ ra.
“Chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Với giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg vào năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi. Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-Farm- Food) mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các trang trại hộ gia đình nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Lợi nhuận của các trang trại thương mại hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua”, báo cáo của SSI chỉ ra.
Đáng chú ý, SSI cũng đưa ra dự báo giá heo hơi sẽ không tăng đột biến, chỉ đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ).
Trước những thách thức trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, yêu cầu ngành chăn nuôi phải nhìn thẳng vào những điểm nghẽn phát triển như chế biến sâu chưa nhiều, hay nói thẳng là mới “thai nghén”, khâu trung gian vẫn chiếm lợi nhuận cao, thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu…
Đồng thời, ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng vùng an toàn chăn nuôi để đẩy mạnh xuất khẩu, trước mắt với các sản phẩm như tổ yến sang Trung Quốc.
“Mỗi năm, Trung Quốc có nhu cầu tới 300 tấn tổ yến, đây là cơ hội lớn để Việt Nam xuất khẩu. Ngày 8/1/2023 tới đây, Trung Quốc cũng sẽ mở cửa biên giới, đây là cơ hội lớn với ngành nông nghiệp, cũng như sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, trước mắt là sản phẩm tổ yến. Do vậy, ngành chăn nuôi cần phải có sự chuẩn bị tốt để tận dụng thời cơ, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, Thứ trưởng Tiến yêu cầu.
Đồng thời, để đẩy mạnh chế biến sâu, Thứ trưởng Tiến cho rằng cần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển ngành chăn nuôi trong tình hình mới. Quan trọng nhất là xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đủ năng lực làm theo chuỗi tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, các cơ quan liên quan cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu với Bộ NN&PTNT không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, heo… Đồng thời, làm sao tăng năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp. Chúng ta cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi và phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, các chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu.
Ông Trương Sỹ Bá Chủ tịch HĐQT BaF BaF gia nhập thị trường sau, vì vậy chọn con đường sản xuất khép kín 3F (tức trang trại – thức ăn chăn nuôi – thực phẩm) – đây là xu hướng mới của thị trường khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, ở mảng thịt, 90% sản lượng tiêu thụ qua kênh truyền thống, phần lớn giết mổ thủ công, khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm,… nên thịt heo 3F sẽ có lợi thế về thị trường.
Ông Nguyễn Văn Trọng Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Thị trường Trung Quốc đang chiếm 50% thị phần tiêu thụ đàn heo trên thế giới, 1 năm tiêu thụ khoảng trên 5 triệu tấn thịt. Tuy nhiên, muốn sản phẩm thịt heo cạnh tranh được ở thị trường này thì giá phải rẻ hơn các đối thủ như Đan Mạch, Mỹ… Về lâu dài, ngành chăn nuôi heo cần phải tiếp tục đàm phán, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu được thịt heo chính ngạch sang thị trường này thì mới bền vững. |
Nguồn: vnbusiness